
Sau bao ngày mong ngóng, cuối cùng cũng thấy chút se lạnh của mùa đông Sài Gòn. Nói cho có vậy thôi, chứ Sài Gòn làm gì có mùa đông.
Sáng, mở cửa phòng, gió lùa vào lạnh gai gai cả người. Nhưng vẫn chưa đủ lạnh để mặc áo len. Hình như sắp tới Giáng Sinh rồi. Nhớ Giáng Sinh năm ngoái, thèm mặc áo len quá, thấy trời vừa lạnh vừa mưa, liền lấy áo ra dạo phố. Ra đường rồi, nhìn lại, thấy mình giống một con hâm. Có thấy ai mặc như mình đâu, toàn chỉ thấy áo hai dây. Thế mới điên cái đầu chứ.
Sắp tới Giáng Sinh rồi nhưng hình như năm nay chẳng thấy mọi người nhộn nhịp chuẩn bị hang đá, trang trí đèn như mọi năm. Chỉ có ngoài khu Sài Gòn, không khí ăn chơi Giáng Sinh có vẻ đã khởi nhịp. 11PM, ngoài phố vẫn tấp nập người đi chọn thiệp Giáng Sinh. Năm nay mình cũng chẳng còn hứng thú làm thiệp. Cuối năm rồi sao chẳng thấy mình khẩn trương, phấn khởi gì hết, chỉ thấy cái đầu nặng nặng, và cái người thì lười lười.
Tự dưng, muốn bỏ hết. Chui về nằm co một góc trong lòng mùa đông. Để lòng thấy ấm áp và bình yên, không phải cái cảm giác trống trải thế này. Người ta nói, chỉ có những người sống không biết sẻ chia hạnh phúc cho người khó khăn mới có cảm giác buồn chán thôi. Mặc kệ người ta nói, đôi khi cũng phải có một giây trống trải trong hàng ngàn hàng vạn giây hạnh phúc, thế mới biết quý trọng những gì mình đang có, đúng không?
Thèm quá cái không khí mùa đông quê mình. Năm nào cũng thế, chứ chẳng phải chỉ lúc này. Ngay cả lúc còn ở quê, mặc áo lạnh trong mùa đông mà cũng đã thấy nhớ.
Nhớ cái bếp rơm quê nội mùa đông, khói lan một góc trời buổi sớm. 4h30 sáng, ngồi thu lu trong bếp, hỏi cô em họ đang nghĩ gì khi đăm chiêu nhìn bếp lửa. Cô bé nói đang nghĩ về đàn lợn con vừa mới sinh hai hôm, về đồng lúa đông về. Nghĩ cả việc lát nữa đi chợ về phải ghé mua cho chị khúc kẹo chặt ngày xưa khi còn sống bà vẫn hay mua cho hai đứa lúc tan chợ. “Mấy lúc chị về như thế này”. Thấy thương chi lạ cô em nhỏ, lúc nào cũng nghĩ những điều đơn giản mà mang lại cái cảm giác ấm áp cho mọi người. Mà hình như người miền quê ai cũng thế. Sáng mùa đông rét mướt, quần vẫn xắn ngang bắp chân, rủ nhau ơi ới ra đồng vang cả xóm. Đồng xa thấp thoáng dáng người làm ruộng, cây lúa có lạnh bao giờ?
Mùa đông chốn thành thị quê mình, cũng chẳng thể quên. Mùa đông cũng là mùa bão lũ. Mưa rả rích kéo dài cả tháng. Ừ, lúc này có lẽ đang mưa. Quần áo giặt thì chẳng bao giờ khô hoàn toàn, cứ một mùi ẩm ẩm. Tháng 11, cả nhà luôn trong tư thế sẵn sàng, lúc nào nước lên là phải dọn đồ đạc. Có khi lũ lên lúc nửa đêm, khi mình đang say giấc ngủ, thế mà sáng mai thức giấc, đã thấy cả nhà “di cư” lên lầu. Những lúc như thế, tự dưng thấy mắt rưng rưng muốn khóc. Ba mẹ lúc nào cũng lo cho mình, sợ mình mất ngủ khi lúc tối đã thức khuya học bài. Mà đâu có biết, con học thì ít, chơi là nhiều, nghĩ ngợi vẩn vơ còn nhiều bạo, nhưng chẳng bao giờ nghĩ cho bố mẹ lấy một lần.
Nói về cái sự lụt quê mình cũng lắm chuyện để nói. Dân Sài Gòn thì chỉ thấy triều cường lên ngập đường loang loáng, hay như đường ống nước vỡ tràn nước ngập đường thôi nhỉ? Trẻ con Sài Gòn chắc chưa bao giờ được chụp nơm bắt cá và chắc cũng chưa bao giờ rủ nhau chèo thúng giữa lòng thành phố. Ngày lụt, cả thành phố nhìn nhau qua những lan can trên lầu. Nhưng chẳng có gì ngăn nổi lũ nhóc trèo qua trèo lại lầu của nhau, rủ nhau chơi đồ hàng, đám cưới. Ngày thường, giữa phố phường đông đúc bận rộn, ra vào gặp mặt nhau đã khó, huống hồ hỏi han thăm viếng. Ngày lụt, hình như mọi người mới có thời gian để xích lại gần nhau. Các ông thì phụ nhau khuân vác dọn dẹp đồ đạc, hay ngồi hai bên bờ thành lan can ngăn giữa hai nhà mà uống trà nói chuyện. Còn các bà mẹ thì cứ hỏi nhau xem nhà nào có thiếu đèn pin, mì gói hay không. Món ăn trong ngày lụt cũng thế, được chuyền tay nhau từ nhà này sang nhà khác, thế mà lại ngon.
Mùa đông đến, phố phường dường như đổi khác. Những mùa đông trong ký ức, sắc trời một màu xám rũ. Sáng sớm, phố dài dường như run rẩy trong cơn gió lạnh, khiến phố như cứ dài ra hun hút. Phóng xe đến trường, chỉ kịp nhìn hai bên đừơng hàng cây đã trút gần hết lá. Dãy bàng trước cửa lớp đỏ một màu lá, thân cây xần xần xám xám, thấy rất thương.
Mùa đông quê mình, không có cái khí trời khô se sát của Hà Nội, không có chút nắng nồng gay gắt của miền Nam, nhưng vẫn là những điều quen thuộc mà người ta thường nghĩ về mùa đông. Thế thì có chi để mà thương, mà nhớ!?!
Thương chứ, là mùa đông để mỗi ngày được “cướp” hoa ngọc lan mà anh chàng lớp trưởng mang vào lớp, nghe mùi hoa trong hộp kính tỏa lan thoang thoảng cả một góc lớp. Để chia một chiếc găng tay len bé bé cô vừa mới nhét vào cặp lúc sáng với cô bạn cùng bàn, để cùng xít xoa “Sao mà lạnh!”
Mùa đông để bắt gặp anh chàng chảnh chảnh, kiêu kiêu, mặt lạnh mà mình rất ghét gần nhà ngoan ngoãn để mẹ choàng vào người chiếc áo len màu xám, để rồi từ đó thấy anh chàng chẳng còn cái vẻ chảnh chảnh, kiêu kiêu ấy nữa, để thấy anh chàng cũng rất dễ thương khi hay mặc chiếc áo số 10 của Juve đá bóng một mình.
Mùa đông, để được nghỉ học, cùng mấy cô bạn ngồi quán cóc, hít hà trước đĩa chuối chiên hay tô ốc hút nóng nóng, cay xè.
Mùa đông, để được nhai ngon lành tô bắp rang cuối cùng bà làm riêng cho bé Quỳnh. Để rồi qua mùa đông lạnh, chỉ còn có thể gặp bà qua những giấc mơ…
Mùa đông, để thấy lòng cứ quặn đi khi ông bệnh chưa khỏi, đã ngồi dậy, run run nơi góc vườn đan cái vợt đập muỗi bằng tre cho cháu để làm bài thủ công. Ông đã thấy cháu ngồi đan cả hai ngày nghỉ phép nhưng vẫn không được. Đã khóc, chạy đến ôm ông và bảo ông nghỉ đi, đừng làm nữa, mặc kệ cháu, thế mà sáng sớm hôm sau trở về thị xã, lại thấy cây vợt trong giỏ quà mẹ xách.
Mùa đông, để cả khán phòng đêm văn nghệ dường như im bặt, khi cậu lớp trưởng hát tặng mẹ: “Chiều mưa, có một người con gái nhớ quê xưa, vời vợi…”. Mẹ cậu ấy vừa mới qua đời… Để lại rưng rưng khi nghĩ về mẹ, “Mẹ già như chuối chín cây…”
Mùa đông, để mỗi chiều về, đạp vội xe ngang qua nhà thờ bé bé của thị xã, chỉ để nghe tiếng chuông ngân từng hồi, từng hồi , đánh thức lũ chim đang im lìm ngủ trốn rét; rồi như bị nuốt chửng bởi không trung bất tận.
M ùa đông, đi ngoài phố, nhìn mọi người ai cũng thấy thân quen.
Mùa đông, ngay cả ánh đèn vàng của ngọn đèn đường cũng khiến người ta thấy bâng khuâng. Tiếng rao đêm nghe buồn buồn khó tả.
Chỉ không thích khi màu đông vẫn còn nhiều cô bé bán diêm.
Mùa đông chẳng phải diệu kỳ lắm sao. Xoè tay ra chẳng khi nào thấy lạnh. Xoè bàn tay chỉ thấy ấm cúng khi mùa về.
Những ký ức mùa đông đã gần như tan biến cả. Những gì còn sót lại trong mình quá chi là ít. Sợ rằng có một lúc nào đó mình sẽ không thể thấy cái ấm áp
khi mùa về. Mùa Đông yêu.
3 nhận xét:
mấy bữa tao về quê gặp được một đợt nước lụt (nhỏ thôi, nhà nội ngoại cao nên chưa phải dọn đồ) . Ba mẹ tao mừng húm (mấy chục năm rồi 2 người chưa được lội nước lụt). Ông anh họ cũng hí hửng “2 năm rồi đó. Chiều nước lên đi chèo ghe không mi?”. Ngồi trên ghe, mấy ông bạn của ông anh hỏi “ Thấy nước lụt vui không chị bé?” , tao hớn hở “vui”, mấy ổng cười , nói về chuyện dọn đồ khi nước vô nhà, tao chợt thấy mình hơi vô tâm. Nên đọc những dòng này của mày, tự dưng thấy nhớ quê, mặc dù hầu như chẳng sống ở đó được tháng nào.
Ôi ... có cái gió mùa đông (mẹ ru con ngủ) mà em cũng viết ra được 1 page. ANh đọc không nổi !! hic hic ...
Câu này sai lỗi chính tả nè ... hehe
< Chỉ không thích khi màu đông vẫn còn nhiều cô bé bán diêm. >
Mùa Đông... ôi Mùa Đông...
Đăng nhận xét